Đôi nét về đất Ngọc Mỹ – Quốc Oai – Hà Nội

Nằm sát thị trấn Quốc Oai tỉnh Hà Tây, xã Ngọc Mỹ mang đậm nét dáng vẻ của một làng quê Việt Nam truyền thống. Người dân nơi đây đã sống với nghề làm ruộng từ bao đời nay và có lẽ, năm nào cũng vậy, những ngày mùa trở thành dịp đông vui náo nhiệt khắp làng trên, xóm dưới. Màu vàng của rơm, tiếng máy tuốt lúa, tiếng cười nói đùa vui tạo nên âm sắc riêng biệt của làng quê.

Mảnh đất Ngọc Mỹ từ lâu đã in dấu bao sáng tạo của tạo hóa và con người. Tạo hóa đã giúp cho những người nông dân lam lũ nơi đây có ý chí vươn lên để trở thành những người học rộng, tài cao, tạo nên trong họ niềm tự hào dân tộc, lòng tin và sự kính trọng đối với những thế hệ cha ông dựng nước. Vị vua Lý Bí và người tướng trung thành Phạm Tu đã được người dân lập bàn thờ coi là Thành hoàng làng từ hàng trăm năm nay. Vào mỗi dịp lễ hội, ngôi đình Ngọc Than – một tác phẩm kiến trúc mang đậm nét phong cách nhà Lê thế kỷ thứ 17 – lại trở nên rộn ràng trong sự thành kính của người dân. Cho đến nay, ngôi đình Ngọc Than vẫn giữ lại được rất nhiều hiện vật thể hiện sự sáng tạo của những người thợ điêu khắc đã làm nên vẻ đẹp riêng như: đầu rồng, tượng người có cánh, rồng bay phượng múa… Vẻ đẹp đó còn thấy rõ ở sự sắp đặt hài hoà trong thế đất với hai tháp bút và đài nghiên trước cổng đình, thể hiện lòng hiếu học của người dân nơi đây. Có lẽ chính vì vậy mà thời nhà Lê, nhà Nguyễn, vùng đất này đã có 100 cụ đỗ tú tài và tiến sĩ.

Nơi đây còn có cụm đình, chùa Phú Mỹ là một di tích lịch sử nổi tiếng trong vùng. Với vẻ đẹp thuần tuý của một ngôi chùa cổ Việt Nam, chùa Phú Mỹ không chỉ biểu hiện niềm tin vào thế giới tâm linh nơi cửa Phật của người dân, mà còn là nơi lưu giữ những bức tượng Phật quý, thể hiện trình độ nghệ thuật của cha ông từ nhiều thế kỷ trước. Ngọc Mỹ ngày nay đã có một cuộc sống đủ đầy hơn trước, những giống lúa tốt được sự chăm chút của người nông dân đã tạo nên những bông lúa trĩu hạt, mang lại những vụ mùa bội thu. Trong cái vất vả, nóng nực của ngày hè, những khuôn mặt của người nông dân được mùa đều toát lên vẻ vui mừng, phấn khởi.

Gia đình ông Nguyễn Duy Ba bao đời gắn bó với nghề nông, mặc dù nghề nông chưa thể mang lại cho ông sự giàu sang phú quý nhưng đã giúp ông nuôi những đứa con ăn học nên người. Nhờ thóc lúa của cha mẹ, các con ông đã có người học đại học, trung cấp và có công ăn việc làm ổn định. Để tạo thêm nguồn thu nhập, cũng như bao gia đình nông dân khác, ông Ba nuôi lợn và làm thêm nghề phụ. Ai cũng ước muốn có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc, đối với những người nông dân như ông bà Ba, tuy không có nhà lầu, xe hơi nhưng họ thật sự hạnh phúc bởi có cuộc sống no đủ, an nhàn cùng cháu con.

Người Ngọc Mỹ luôn tự hào, từ hàng trăm năm nay đã đóng góp rất nhiều người con ưu tú cho sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Tại thôn Phú Mỹ còn lưu lại một ngôi nhà cổ đã gần 300 năm tuổi, đây là nhà thờ họ của dòng họ vị quan thanh liêm Nguyễn Quý Hiển. Ông làm quan dưới triều Lê, được phong đến chức Giám sát ngự chuyên giải quyết việc kiện tụng. Tài đức của ông đã được người dân kính trọng biểu đạt bằng đôi câu đối:
“Tam giáp danh khoa, Quốc giám hữu bi minh tính tự
Nhất phương trọng trấn, Bắc kinh vô tụng hệ ca tư”.
Tạm dịch là:
“Đỗ đại khoa tới hàng Tam giáp, ở Quốc Tử Giám có bia khắc ghi rõ họ tên
Trấn giữ một phương trọng yếu, cả vùng phía Bắc kinh thànhkhông có kiện tụng nên được ca ngợi tư cách và phẩm hạnh”.

Khi ông mất, vua Lê Hiển Tông rất thương tiếc và truy tặng ông chức: Mậu lâm tá lang Hàn lâm viện đãi chế. Ngôi nhà với những hiện vật quý hiếm thể hiện công lao tài đức của vị quan thanh liêm được con cháu truyền đời gìn giữ.

Đất Hà Tây nổi tiếng trăm nghề và Ngọc Mỹ cũng là một vùng đất có nhiều nghề truyền thống được người dân gìn giữ, phát triển. Trong số những nghề phát triển mạnh ở nơi đây thì nghề mộc, làm đồ thủ công mỹ nghệ được nhiều hộ gia đình mở xưởng sản xuất. Mỗi xưởng sản xuất tuy không lớn, khoảng 10 – 15 công nhân, nhưng bù lại luôn có việc làm quanh năm. Xưởng của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Ngọc Than sản xuất chủ yếu đồ thủ công mỹ nghệ đã có uy tín từ nhiều năm. Những mặt hàng như hoành phi, câu đối, tượng Phật… được đặt hàng quanh năm. Công việc luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác đến từng chi tiết, bởi vậy người thợ không thể làm cẩu thả, vội vàng. Những chữ Hán trên câu đối chỉ cần sai một nét là đã sang nghĩa khác không thể sử dụng được. Anh Tuấn cũng tham gia làm như bao thợ khác, vốn khéo tay, tỉ mỉ nên những công đoạn phức tạp trong khâu đúc tượng anh thường trực tiếp làm. Là một thanh niên trẻ, năng động anh đã không chỉ đầu tư mở rộng thêm thị trường mà còn không ngại ngần, hướng dẫn cho nhiều người trong xã học nghề để họ về mở xưởng sản xuất như mình. Hiện đã có khoảng 20 người thành nghề ra mở xưởng ở nhiều nơi. Với việc áp dụng máy móc kỹ thuật tinh xảo vào sản xuất, anh Tuấn đã giúp cho người thợ của mình không phải làm nhiều khâu phức tạp. Nhờ vậy, sản phẩm cũng được hoàn thiện nhanh hơn, có chất lượng chuẩn, đẹp và đồng đều hơn. Anh Tuấn đang mong ước có một xưởng sản xuất lớn hơn để có thể đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, vật dụng trang trí phục vụ cho nhu cầu tâm linh cũng như sinh hoạt gia đình.

Thế hệ trẻ ở Ngọc Mỹ nay đã khác xưa rất nhiều, những người như anh Tuấn đã không chỉ biết làm giàu cho chính mình mà còn làm cho quê hương phát triển và ngày càng khang trang hơn. Một nghề truyền thống ở nơi đây cũng đang rất phát triển đó là nghề làm nón, theo sử sách để lại, nghề làm nón ở Ngọc Mỹ đã được vài thế kỷ cùng với sự ra đời và phát triển của nhiều loại nón khác nhau. Để làm được một chiếc nón, người ta phải chia ra làm nhiều công đoạn khác nhau như làm khuôn, căng dây, tạo khấc cho xương nón, xâu dây cố định xương nón, căng khung quấn cạp nón hay còn gọi là sợi vòng cái. Cạp nón phải thật tròn, nón tròn hay méo chủ yếu dựa vào sợi vòng cái. Ở Ngọc Mỹ người ta chủ yếu làm các công đoạn sau của chiếc nón như làm lá, vào lá và khâu nón. Những chiếc lá cọ được là phẳng, cắt tỉa sao cho phù hợp với kích cỡ và được đắp lên khuôn nón rồi mới khâu lại. Trước đây, khi nước nhà mới bước vào đổi mới, nghề làm nón tưởng như đã chết hẳn nhưng rồi nó lại trở nên phát triển mạnh mẽ nhờ việc đưa hàng sang tiêu thụ ở Trung Quốc. Chiếc nón lá thân quen với người Việt Nam giờ đây đã được người Trung Quốc ưa thích.

Song song với sự phát triển của nghề làm nón ở nơi đây chính là nghề làm chổi chít. Gia đình ông Xuân đã tổ chức, phối hợp với nhiều hộ lập các xưởng sản xuất nón, mũ, chổi… Từng là giám đốc một cơ quan của tỉnh, khi về nghỉ hưu, ông Xuân đã mạnh dạn đầu tư vào việc sản xuất và kinh doanh nón lá. Mới đầu cũng hết sức vất vả nhưng nhờ năng động, mạnh bạo tự tìm lấy bạn hàng Trung Quốc, ông Xuân đã mở ra một thị trường tiêu thụ rất lớn. Với mức đặt hàng của thị trường Trung Quốc, có lúc ông Xuân xuất tới hàng chục vạn chiếc nón, chiếc mũ một lúc. Có lẽ vì vậy mà đi đến đâu trong xã Ngọc Mỹ cũng đều thấy có người ngồi đan nón. Với hình thức mở nhiều đầu mối thu gom tại các xóm, nên gia đình ông Xuân có thể gom hàng rất nhanh theo kịp yêu cầu của khách hàng. Gần đây, nghề làm chổi chít cũng rất phát triển do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Làm chổi nhanh và đơn giản hơn làm nón, có những chuyến ông Xuân xuất đi hơn 100 nghìn chiếc chổi. Làm nón, mũ, chổi giờ đây trở thành nghề của gần 70 % số hộ gia đình trong toàn xã.

Nón lá, chổi chít Ngọc Mỹ đã vượt biên giới sang Trung Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Nhật Bản… đó chính là sự khẳng định sức sống của nghề truyền thống. Những thế hệ đi trước đều rất tự hào bởi thế hệ hôm nay đã biết kế thừa truyền thống của cha ông, xây dựng quê hương trở thành một vùng đất giàu đẹp không chỉ bởi cảnh sắc, sự lao động cần cù mà còn bởi tài năng và trí tuệ.

Trường Thành

Đất nghề Ngọc Mỹ

 

(HNM) – Nằm sát thị trấn Quốc Oai, tuy không tránh khỏi quá trình đô thị hóa, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai vẫn giữ được dáng vẻ của làng quê Việt Nam truyền thống với những ngôi nhà, mái chùa cổ kính. Người dân nơi đây không chỉ giỏi làm nông nghiệp, mà còn duy trì và phát triển mạnh ngành nghề truyền thống, đời sống ngày càng sung túc. 
Bà Nguyễn Thị Nghi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Mỹ cho chúng tôi biết: Xã có hai thôn Phú Mỹ và Ngọc Than, cả hai thôn đều có nghề truyền thống, làm nón, mũ lá và nghề mộc dân dụng. Ngoài cây lúa, rau màu, hiện cả xã có 25 hộ mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình trang trại VAC với tổng diện tích gần 30ha. Năng động trong chuyển đổi, chăm chỉ làm ăn, đời sống của người dân Ngọc Mỹ ngày càng được nâng lên, bình quân thu nhập đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm 2010. Năm 2010, cả xã có 40 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi 4 cấp, trong đó cấp trung ương có hai hộ, cấp thành phố có hai hộ…

Nghề làm nón ở xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai). Ảnh: Đỗ Hà

Đưa chúng tôi đến thăm thôn Ngọc Than, nơi có nghề mộc dân dụng phát triển, bà Nghi luôn miệng: “Cứ vào khắc biết, thanh niên làng này chịu khó lắm, chẳng ai chơi đâu. Nhiều cháu mới trên chục tuổi đã xin bố mẹ cho đi học nghề với mong muốn có thể sống được bằng nghề truyền thống của cha ông”. Quả thực, chỉ trong 5 năm trở lại đây, nghề sản xuất đồ mộc dân dụng (chủ yếu là sản xuất đồ thờ) ở thôn Ngọc Than rất phát triển. Cả thôn có trên 100 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm quanh năm cho hàng nghìn lao động. Anh Đỗ Văn Nam, ông chủ trẻ năm nay mới 27 tuổi nhưng đã có tới 9 năm làm nghề mộc dân dụng, trong đó 6 năm làm ông chủ. Khuôn viên xưởng sản xuất đồ thờ của anh Nam chỉ vẻn vẹn 48m2 nhưng có tới hàng chục lao động trẻ. Ngoài hộ anh Nam, riêng thôn Ngọc Than hiện có trên 100 cơ sở sản xuất đồ mộc dân dụng, chủ yếu sản xuất đồ thờ cúng. Ông chủ trẻ Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Các mặt hàng gỗ được sản xuất ở đây chủ yếu là hoành phi, câu đối, án gian, cửa võng… do vậy đòi hỏi người thợ khi làm phải tỷ mỉ, chính xác đến từng chi tiết, không thể làm cẩu thả, vội vàng. Hiện hầu hết các hộ sản xuất đồ mộc ở Ngọc Than đều tận dụng đất ở của gia đình để mở xưởng sản xuất nên không tránh khỏi chật chội, bụi bặm, ô nhiễm môi trường. Mong muốn của anh Tuấn nói riêng và các hộ sản xuất đồ mộc nói chung ở Ngọc Than là có một xưởng sản xuất lớn hơn để có thể đưa ra thị trường nhiều sản phẩm, vật dụng trang trí phục vụ cho nhu cầu tâm linh cũng như sinh hoạt gia đình.

Thấy chúng tôi băn khoăn khi lao động làm nghề tại các xưởng mộc đều quá trẻ, bà Nguyễn Thị Nghi tấm tắc: “Số lao động này vừa học vừa làm đấy. Thanh niên trong làng bây giờ thích học nghề, chẳng phải vận động họ đã đăng ký kín danh sách. Thế hệ trẻ ở Ngọc Mỹ nay đã khác xưa rất nhiều, những người như anh Nam, anh Tuấn… không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tham gia dạy nghề, truyền nghề cho nhiều lao động địa phương. Theo bà Nghi, thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay cơ sở sản xuất đồ mộc của anh Nam đã phối hợp với Huyện đoàn Quốc Oai và Hội Nông dân xã Ngọc Mỹ tổ chức 2 lớp dạy nghề cho 100 lao động trong xã. Sau gần 3 tháng, số lao động này đã cơ bản nắm được các công đoạn của nghề mộc dân dụng, đặc biệt là quy trình sản xuất một số đồ mộc kỹ thuật cao như đồ thờ.

Ngoài nghề mộc, Ngọc Mỹ còn có nghề làm nón, mũ lá. Mặc dù mấy năm trở lại đây nhu cầu sử dụng nón, mũ lá giảm, nhưng nó vẫn là nghề “cứu tinh” cho biết bao phụ nữ lúc nông nhàn. Rồi mấy năm trở lại đây, làng quê lại có thêm nghề mới là làm chổi chít. Hiện gia đình ông Nguyễn Chí Xuân, người đầu tiên đưa nghề về làng đã cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều lớp dạy nghề; phối hợp với nhiều hộ lập các xưởng nón, mũ, chổi… tạo việc làm cho khoảng 80% số hộ thôn Phú Mỹ.

Giờ đây sản xuất nông nghiệp chỉ bảo đảm lương thực cho người và chăn nuôi, nghề thủ công dẫu không sôi động như trước đây nhưng vẫn là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vùng đất Ngọc Mỹ đang chuyển mình từng ngày cùng đất nước nhờ đất nghề nuôi dưỡng.

Thu Hằng

Tác dụng bất ngờ của rau diếp cá

Diếp cá còn gọi là giấp, ngư tinh thảo. Mọc hoang hay trồng ở nơi ẩm ướt. Là một trong các loại rau thơm gia vị chủ yếu quen dùng ở miền Nam nước ta. Theo Đông y, diếp cá vị cay, hơi lạnh, hơi độc; vào phế và can có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thuỷ tiêu thũng. Dùng cho các trường hợp viêm khi phế quản, hen suyễn, ap-xe phổi, phù nề, hội chứng lỵ cấp, viêm đường tiết niệu, đái dắt, đái buốt, huyết trắng, khí hư, mụn nhọt.

Liều dùng cách dùng: 10 – 30g khô, 30 – 60g tươi.

Một số cách chữa bệnh có diếp cá:

Chữa đau sưng: Diếp cá 15g, nhọ nồi 15g, cải rừng 15g, xương sông 15g, dưa chuột 15g, khế 15g, đơn đỏ 15g, huyết dụ 15g, xích hoa xà 3 lá, bí đao 3 lát, củ nâu 3 lát. Tất cả giã nát, thêm nước và vắt lấy nước uống, bã đắp vào chỗ sưng (Nam dược thần hiệu)

Chữa sởi: Diếp cá 15g, rau dệu 15g, đậu chiều 12g, cam thảo đất 12g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày. Thuốc thúc sởi mau phát ra ngoai.

Chữa viêm phổi: Diếp cá 20g, thạch cao 40g, kim ngân 20g, lô căn 20g, liên kiều 20g, hạnh nhân 12g, hoàng liên 12g, hoàng cầm 12g, ma hoàng 8g, cam thảo 5g. Thạch cao sắc trước 15 phút; hoàng liên giã dập, cho các vị thuốc vào sắc uống làm 2 lần trong ngày. Nếu khó thở, thêm đinh lịch tử 12g, tang bạch bì 12g; nếu ho ra máu thêm bạch mao căn 12g.

Chữa viêm xoang nhiễm khuẩn: Diếp cá 20g, thạch cao 40g, kim ngân hoa 16g, tân di 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 12g, tri mẫu 12g, mạch môn 12g. Thạch cao sắc trước 15 phút, sau đó cho các vị thuốc vào, sắc uống. Ngày uống 1 thang.
Diếp cá.

Nếu bệnh nhân sợ lạnh, sốt, nhức đầu thì bỏ hoàng cầm, mạch môn, thêm ngưu bàng 12g, bạc hà 12g.

Rau diếp cá có tác dụng thanh nhiệt.
Rau diếp cá có tác dụng thanh nhiệt.

Diếp cá trộn củ rau diếp: Diếp cá tươi 100g, rau diếp tươi 100g. Rửa sạch hoặc nhúng qua nước sôi, thái đoạn, cho thêm 2 – 3g bột muối, trộn đều. Pha sẵn nước gia vị gồm: tương giấm, dầu vừng, gừng tỏi được bỏ vỏ gia nát, hành đập giập. Tất cả đem trộn làm sa lát, cho ăn. Dùng cho các trường hợp ap-xe phổi, viêm khi phế quản, viêm đường tiết niệu.

Xi-rô tỳ bà diếp cá: Lá diếp cá 60g, lá tỳ bà 20g, nước ép bí đao 100ml. Lá diếp cá và tỳ bà đem ép lấy nước. Tất cả nước ép này cũng đem trộn đều, thêm chút đường trắng hòa tan. Dùng cho các bệnh nhân viêm khí phế quản, nóng sốt ho nhiều đàm (đàm nhiệt khái tấu).

Ngư tinh thảo kim ngân hoa ẩm: Ngư tinh thảo 30g, kim ngân hoa 15g, bạch mao căn 30g, liên kiều 15g. Sắc lấy nước, pha thêm chút đường trắng, chia 2 – 3 lần uống trong ngày. Dùng cho các bệnh nhân viêm phổi cấp, viêm đường tiết niệu sốt nóng, ho, tiểu dắt, tiểu buốt, nổi ban dị ứng.

Kiêng kỵ: Không dùng cho các trường hợp hư hàn.

TS. NGUYỄN ĐỨC QUANG

Theo Sức khỏe và đời sống

Mẹo máy tính: Xóa bỏ các định dạng trong Word

Bạn có một văn bản đã được định dạng chữ đứng, chữ nghiêng, chữ gạch chân, chữ đậm nằm rải rác trong tài liệu ở các trang khác nhau, nếu gỡ bỏ định dạng cho từng mục sẽ rất mất việc, để gỡ bỏ định dạng nhanh cóng bạn làm như sau:

+Ấn CTRL+A để bôi đen (Chọn) cả văn bản.

+Ấn phím CTRL+Phím cách chữ, các định dạng biến mất.

+Nếu muốn bỏ các dấu hạt đậu (Bullets) và đánh số tự động bạn bôi đen văn bản và ấn CTRL+SHIFT+N.  .\

Giới thiệu về Hội đồng niên 1977 thôn Phú Mỹ

Hội đồng niên 1977 thôn Phú Mỹ được thành lập từ  năm 1995. Thành viên Hội là các bạn sinh năm 1977 (Định Tị) sinh sống tại thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ – Quốc Oai – Hà Nội).

Hội hoạt động với phương châm: Đoàn kết – Tương thân tương ái.

Hội tha thiết kêu gọi các bạn hãy tham gia Hội, ủng hộ xây dựng Hội đoàn kết, vững mạnh.

Mọi ý kiến đóng góp xin liên hệ qua:

Email: dongnien1977@gmail.com

Website: dongnien1977.wordpress.com