Cách gọi dân gian các tháng lịch Âm, lịch Dương

Theo PGS-TS Lê Thanh Lân – Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Người xưa gọi tháng 11 (âm lịch) là tháng Một, rồi đến tháng Chạp, tháng Giêng, tháng Hai… PGS-TS Lê Thanh Lân còn khẳng định kiểu gọi này là một cách bảo tồn nền văn hóa Việt cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Lịch sử lịch Âm-Dương?

Lịch Âm-lịch Dương, tháng Âm-tháng Dương, ngày Âm-ngày Dương… là tên gọi quen thuộc và là hình thức đối chiếu ngày tháng mà người Việt chúng ta thường dùng. Lịch Dương gọi nôm na là lịch Tây, lấy thời gian một vòng quay của Trái đất xoay quanh mặt trời làm một năm. Vòng quay đó chính xác là 365 ngày đêm cộng với 5 giờ 49 phút 40 giây.

Lịch Dương hiện nay là “lịch mới” – lịch Gregorius được sử dụng từ năm 1582, lúc đầu phổ biến ở các nước phương Tây theo đạo Thiên Chúa. Sau dần được công nhận và phổ biến khắp thế giới. Vì vậy được gọi là Công lịch và kỷ nguyên được ghi nhận theo lịch Dương gọi là Công nguyên. Theo lịch Dương, mỗi năm có năm tháng thiếu là các tháng 2, 4, 6, 9, 11, gồm mỗi tháng 30 ngày, riêng tháng Hai chỉ có 28 ngày ở năm thường và 29 ngày ở năm nhuận; và bảy tháng đủ là các tháng 1, 3, 5, 7, 8, 10, 12, mỗi tháng gồm 31 ngày. Tháng của năm dương được ghi theo số thứ tự từ 1 đến 12.

Lịch dương ở các nước phương Tây. Ảnh: PL

Lịch Âm lấy thời gian một tháng theo chu kỳ tròn/khuyết của mặt trăng, một năm thì lấy gần như theo chu kỳ một vòng quay của Trái đất quanh mặt trời. Một vòng quay của mặt trăng quanh Trái đất là chu kỳ giữa hai lần trăng tròn hoặc giữa hai lần trăng khuyết. Chu kỳ đó nếu tính chính xác là 29 ngày đêm cộng với 12 giờ 44 phút 3 giây. Để cho gọn, người ta tính bằng 30 ngày đối với tháng đủ và 29 ngày cho tháng thiếu. Ngày Tết là ngày đầu tiên của một năm, người Việt Nam vẫn thường gọi là Tết nguyên đán.

Cách gọi xưa của người Việt

Về các tháng của lịch Âm và lịch Dương, PGS-TS Lê Thành Lân cho biết: Thứ nhất, xa xưa dân ta chỉ biết dùng lịch Âm với các tháng được gọi lần lượt như sau: Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười. Rõ ràng, đây không phải là các số thứ tự được ghi bằng con số Ả Rập hay số La Mã. Thuở đó các tháng được ghi bằng chữ Nôm. Các tháng trên còn được gọi bằng các chi lần lượt là: Tý (Một), Sửu (Chạp), Dần (Giêng), Mão (Hai)… Hợi (Mười). Có mấy điều kiện giải sau:

Có một thời lịch “Kiến Tý” (lấy tháng Tý làm tháng đầu tiên) nên gọi là tháng Một. Lịch bây giờ “Kiến Dần”, lấy tháng Dần là tháng đầu tiên, vẫn giữ nguyên sự tương ứng nêu trên nên tháng Dần là tháng Giêng.

Có một thời ta ít dùng lịch Âm, nay mới chú ý dùng lại nên lớp người trẻ, nhất là ở miền Nam dường như quên cách gọi cổ xưa này. Khi thấy tháng Một – không thể ghi bằng số “1” thì cảm thấy hơi ngờ ngợ. Học giả Hoàng Xuân Hãn có giải thích theo ngữ âm học các từ này như sau: “Tiếng Việt gọi tháng đầu là Giêng (< Chiêng < Chính < ); tháng 11 là Một (ở Bắc: Một < Mười Một), 12 là Chạp (< Trạp < Tlạp < Lạp )”.

Chú ý là sự không trùng nhau giữa số thứ tự của tháng với tên gọi tháng còn xảy ra cả ở phương Tây như sẽ thấy ở phần sau.

Thứ hai, khi lịch Dương vào nước ta, để đơn giản, các tháng được gọi theo thứ tự và ghi bằng số thứ tự: Tháng 1 – tháng thứ nhất, tháng 2 – tháng thứ 2, tháng 3… tháng 10… Ở đây ta đã gọi tắt và bỏ đi chữ “thứ”. Ở phương Tây họ gọi theo tên riêng của chúng. Thường các tên gọi này có nguồn gốc Hy Lạp – La Mã, một số tháng được gọi theo tên các vị thần, một số tháng theo số thứ tự của thuở xa xưa khi mà một năm chỉ có 10 tháng. Sáu tháng cuối, theo chữ Latin là Quintilis – tháng thứ 5, Sextilis – tháng thứ 6, September – tháng thứ 7, October – tháng thứ 8, November – tháng thứ 9, December – tháng thứ 10.

Khi cải lịch, để một năm có 12 tháng, người ta đưa hai tháng “mới” vào đầu năm. Tháng thứ nhất theo tên thần Janus – vị thần gác cổng thời gian, vị thần có hai mặt: một mặt quay về quá khứ, một mặt quay về tương lai nên gọi là tháng Januarius. Tháng thứ hai theo tên Tử thần là Februo mà gọi là Februarius, người ta còn gọi là tháng Cầu siêu và coi là một tháng xấu vì thường đem tử tù giết vào tháng này. Cũng vì thế đây là một tháng đặc biệt chỉ có ít ngày nhất, chỉ có 28 ngày ở năm thường và 29 ngày ở năm nhuận. Các tháng khác được đẩy lùi về sau thành ra trong nhiều ngôn ngữ phương Tây ta còn thấy nhiều tháng có nguồn gốc là con số trước đó. Chẳng hạn trong Pháp ngữ, “thứ 7” = Septième thành tháng Septembre – tháng thứ 9; “thứ 9” = Neuvième thành tháng Novembre – tháng thứ 11; “thứ 10” = Dixième thành tháng Decembre – tháng thứ 12. Điều này tương tự như ở lịch Âm: tháng Giêng là tháng thứ nhất, tháng Chạp là tháng thứ 12, tháng Một là tháng thứ 11. Đó cũng là một nét chung trong ngôn ngữ học: các từ ngữ có thể rời khá xa nguồn gốc của chúng…

Hiện nay, một số nhà xuất bản, nhà làm lịch đã áp dụng theo cách viết và cách gọi của người xưa, sau tháng Mười của chúng ta là bắt đầu tháng Một. Có một số cách viết khác có thể là chữ (M); (Mười) rồi đến số 1; hoặc là tháng Một (như lịch bloc của nhóm lịch Văn Hóa Sài Gòn hiện nay)…

Ngôn ngữ, cách viết không những là tấm gương phản ánh hiện thực khách quan của một quốc gia, một dân tộc mà nghiên cứu, bảo tồn ngôn ngữ còn giúp chúng ta hiểu được những phong tục tập quán của ông cha ta từ ngàn xưa để lại. Vì vậy, để tránh sự khập khiễng trong cách gọi cũng như cách viết, đồng thời tôn trọng cách gọi cổ truyền từ lâu đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người, chúng ta nên gọi đúng các tháng của năm Âm lịch và Dương lịch.

P.NGUYỄN (tổng hợp)

(Nguồn: http://plo.vn/thi-truong-tieu-dung/cach-goi-dan-gian-cac-thang-lich-am-lich-duong-227922.html)

Hội nghị tham vấn về một số định hướng, mục tiêu xây dựng xã và đóng góp điều chỉnh đồ án quy hoạch nông thôn mới xã Ngọc Mỹ

Chiều ngày 25/11/2017, tại hội trường UBND xã Ngọc Mỹ tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến về một số định hướng, mục tiêu xây dựng xã và đóng góp điều chỉnh đồ án quy hoạch nông thôn mới xã Ngọc Mỹ giai đoạn 2016 – 2020.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Khắc Hoàn – Phó chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Đỗ Lai Luật – Phó chủ tịch UBND huyện, các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban, ngành liên quan của huyện, cùng các đồng chí trong ban chấp hành Đảng bộ, cán bộ địa chính – xây dựng xã Ngọc Mỹ.

Đồ án quy hoạch nông thôn mới xã Ngọc Mỹ được quy hoạch năm 2012 nhưng đến nay do sự phát triển về kinh tế – xã hội nên đồ án quy hoạch một số hạng mục không còn phù hợp.  Do vậy có sự điều chỉnh về diện tích và vị trí quy hoạch đối với các hạng mục trong quy hoạch nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 như: Trụ sở UBND xã, các trường Mầm non, Tiểu học thôn Ngọc Than và Phú Mỹ, trường THCS Ngọc Mỹ, nhà văn hóa thôn Ngọc Than, khu vui chơi của xã, cây xăng, sân thể thao Phú Mỹ, bệnh viện mới nhi trung ương II, dự án ô tô Trung Thượng, khu đô thị sinh thái, đất dự trữ phát triển, cụm công nghiệp Ngọc Mỹ và cụm tiểu thủ công nghiệp Ngọc Mỹ – Ngọc Liệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến, phương án để đóng góp vào việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã Ngọc Mỹ giai đoạn 2016-2020 được hoàn thiện hơn.

Đồng chí Đỗ Lai Luật – Phó chủ tịch UBND huyện phát biểu kết luận

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đỗ Lai Luật – Phó chủ tịch UBND huyện tham gia đóng góp ý kiến để định hướng cùng địa phương để xây dựng đồ án quy hoạch nông thôn mới xã Ngọc Mỹ được hoàn thiện, trên cơ sở đó xã Ngọc Mỹ và đơn vị tư vấn điều chỉnh quy hoạch những con đường nằm sát rìa khu dân cư để bao bọc và chống lấn chiếm ra bên ngoài, đối với quy hoạch thoát nước cần bám sát vào quy hoạch đã được phê duyệt tại quy hoạch thị trấn sinh thái Quốc Oai. Đối với quy hoạch trụ sở UBND xã giữ nguyên định hướng quy hoạch ban đầu là đưa về khu vực trường THCS, đối với trường mầm non Phú Mỹ, THCS di chuyển sang khu đất dự trữ, trường mầm non Ngọc Than tiến hành mở rộng ngay tại địa điểm trường, tiểu học Ngọc Than, Ngọc Mỹ mở rộng ra khu vực phía sau để đảm bảo tiêu chuẩn, khu kiot Ngọc Than bố trí đưa vào quy hoạch cụm công nghiệp Liệp Tuyết – Ngọc Than, trung tâm văn hóa của xã bố trí trong khu đất dự trữ, bãi vật liệu xây dựng, bãi đỗ xe cần quy hoạch mỗi thôn có một địa điểm riêng.

Nguyễn Tuyết

(Trang thông tin điện tử Huyện: http://quocoai.hanoi.gov.vn)

Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư Phú Mỹ xã Ngọc Mỹ

Sáng ngày 12/11/2017, UBMTTQ xã Ngọc Mỹ, Ban công tác thôn Phú Mỹ tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư và  kỷ niệm 87 năm Ngày truyền thống Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2017).

Về dự ngày hội  có các đồng chí lãnh đạo xã Ngọc Mỹ, thôn Phú Mỹ và gần 100 đại biểu đại diện cho trên 1000 hộ gia đình trong thôn. Các đồng chí lãnh đạo địa phương, các nhà trường, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã tặng hoa chúc mừng ngày hội.

Các đại biểu tham gia ngày hội

Các đồng chí lãnh đạo địa xã Ngọc Mỹ tặng hoa chúc mừng ngày hội

Tại ngày hội, các đại biểu đã ôn lại lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trải qua 87 năm xây dựng và phát triển; báo cáo kết quả thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư năm 2017.

Thôn Phú Mỹ xã Ngọc Mỹ có 1069 hộ gia đình, hơn 3900 nhân khẩu, đa số hộ gia đình làm nông nghiệp. Thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với thực hiện phong trào chung sức xây dựng Nông thôn mới. Cán bộ và nhân dân trong thôn đã chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và địa phương. Nhân dân trong thôn đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. 84% số hộ trong thôn có mức sống khá và giàu; hộ nghèo giảm xuống còn 1,33%, hộ cận nghèo 3,8%. 100% các hộ có điện thắp sáng và sử dụng nước sạch.  Nhân dân trong thôn thực hiện tốt quy ước thôn văn hóa, chấp hành nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì và đẩy mạnh.  Hàng năm có trên 95% hộ gia đình đăng ký danh hiệu văn hóa. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện thu hút đông đảo người dân tham gia. Năm 2017 toàn thôn đã ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ ngày vì người nghèo hơn 33 triệu đồng.

Các đồng chí lãnh đạo xã Ngọc Mỹ và thôn Phú Mỹ trao Giấy khen cho gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2017

Các tiết mục văn nghệ chào mừng ngày hội

                                                                   Hương Mai-Nguyễn Ngọc

(Trang thông tin điện tử huyện: http://quocoai.hanoi.gov.vn)

Bài hát Ngọc Mỹ quê mình (Tác giả: Trần Trung Sơn)

Hãy cùng nghe và phổ biến bài hát của quê hương mình nhé.

Hãy hiến kế để làm sao khôi phục lại con ngòi tươi đẹp năm xưa.

Lễ hội Đình làng Phú Mỹ xã Ngọc Mỹ

 Đình, chùa thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ là một cụm di tích cổ; Trong sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, di tích là nơi phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo cho toàn thể nhân dân thôn từ xưa đến nay. Căn cứ theo Thần phả, các tư liệu Hán Nôm có trong di tích cùng truyền thuyết nhân dân địa phương thì đình Phú Mỹ thờ tam vị thành hoàng, trong đó chính vị thành hoàng tên là Thanh Hòa đại vương và hai vị tả hữu thành hoàng, Thánh mẫu Huyền Dung Tiên Nga – mẹ của đức Thánh cả được thờ ở Miếu Cốc. Lễ hội đình làng Phú Mỹ được tổ chức 5 năm 1 lần, từ ngày 10/11 đến ngày 12/11 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn của Thanh Hòa đại vương, hai vị tả hữu thành hoàng và Thánh mẫu Huyền Dung Tiên Nga.

Sáng ngày 20/12/2015 (tức ngày 10/11/2015), cán bộ, quan viên và nhân dân thôn Phú Mỹ long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Đình làng Phú Mỹ trong nghi lễ trang nghiêm thành kính. Sau màn tế lễ của Ban tế, đội giai đô phụng nghinh kiệu ra Quán Sanh, tương truyền đây là mộ của đức chính vị Thành hoàng, để viếng mộ rồi rước linh vị Ngài về đình. Buổi chiều cùng ngày đội giai đô sang Miếu Cốc rước linh vị đức Thánh mẫu, vị thân sinh ra đức chính vị Thành hoàng sang đình phối hưởng (đội giai đô gồm nam thanh, nữ tú chưa thành hôn, giai đô rước linh vị Thành hoàng, nhang án, bát bửu, cờ, quạt…là nam, giai đô rước linh vị đức Thánh mẫu là nữ).

Ngày 21/12/2015 (tức ngày 11/11/2015) là ngày nhập tịch, sáng sớm làng tổ chức Tuyên lễ tế bằng cỗ chay gồm oản, chuối, trầu, rượu… Buổi trưa mổ lợn tế cỗ mặn, chiều tổ chức lễ dâng hương, tối có tế thờ đêm. Để tưởng nhớ đến công ơn của Thành hoàng làng và Thánh mẫu, người dân sinh sống tại địa phương, những người con xa quê đã trở về, thành kính dâng hương, cầu phúc cho gia đình, người thân và cầu mong Ngài che chở cho dân làng thịnh mãi, trường tồn.

Ngày 22/12/2015 (tức ngày 12/11/2015) chính tiệc, làng mổ lợn làm cỗ tế 3 lần. Trong ngày chính tiệc này có quan viên ở Thạch Thán cùng sang hợp tế (vì hai vị tả hữu thành hoàng họ Bùi người làng Thạch Thán). Nghi lễ Tế lễ Thành Hoàng làng diễn ra trang nghiêm trọng thể trong sự chứng kiến của đông đảo bà con nhân dân. Buổi chiều cùng ngày, giai đô rước kiệu, bài vị Đức đại vương và Thánh Mẫu từ Đình về Miếu Cốc làm lễ yên vị.

Phần hội được tổ chức gắn liền với phần lễ, để làm phong phú, sinh động hơn trong lễ hội Đình làng, Ban tổ chức lễ hội mời các liền anh liền chị về hát Quan họ trước cửa Đình. Hội sinh vật cảnh Phú Mỹ tổ chức triển lãm sinh vật cảnh lần II tại sân nhà văn hóa thôn Phú Mỹ, được đông đảo bà con nhân dân yêu thích cây cảnh tới thưởng ngoạn và bình cây. Chương trình giao lưu văn nghệ đêm ngày 21/12 cũng đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân.

Lễ hội làng là một sinh hoạt văn hóa tâm linh gần gũi thân thuộc và cần thiết đối với người Việt Nam nói chung và người miền Bắc nói riêng, có ý nghĩa thiêng liêng, nhắc nhở mỗi con người nhớ về cội nguồn, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai làng, lập ấp. Đây cũng là hình thức liên kết cộng đồng, tăng thêm tình đoàn kết hòa hảo giữa bà con hàng xóm láng giềng, trong thôn trong xã; Là nơi chuyển giao các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, để nghỉ ngơi vui chơi thưởng thức lễ hội, đoàn tụ sau những ngày làm ăn vất vả khó nhọc xa quê. Lễ hội Đình làng đã khép lại, nhưng những dư âm đẹp vẫn con mãi trong mỗi người dân thôn Phú Mỹ.

Một số hình ảnh đẹp trong 3 ngày lễ hội Đình làng thôn Phú Mỹ

1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

Nguồn: Nguyễn May Sao (http://quocoai.hanoi.gov.vn/)